Cuốn sách có thể làm bạn nghi ngờ tất cả những điều bạn vẫn tin tưởng bấy lâu, về cuộc sống này. Phải chăng cuộc đời mà bạn ao ước và miệt mài theo đuổi là cơn mộng phù hoa. Đâu mới là thứ hạnh phúc chân thực?




Xưa kia, trước một thiên nhiên mạnh mẽ và khó đoán biết, con người là những kẻ yếu ớt luôn mong muốn có được sức mạnh của thần linh. Ngày nay, giữa một xã hội hỗn tạp với quá nhiều mối bận tâm, con người vẫn yếu ớt trong cuộc chiến sinh tồn bởi chính những cái bẫy do chính loài người tạo ra.
Ta liên tục đi tìm hạnh phúc, ngỡ rằng mọi thứ ta nỗ lực sẽ mang tới hạnh phúc. Nhưng khi ta đạt được niềm vui, vinh dự, cống hiến, tiền bạc, trải nghiệm, thậm chí thật nhiều thứ khác nữa, nhưng sao ta vẫn thấy mình là kẻ yếu ớt trước cuộc đời, vẫn có nhiều điều chẳng như ta muốn. Ví như kẻ có tiền thì thường khổ sở về đời sống tinh thần, kẻ nghệ sĩ thì thường nghèo, kẻ đang bình thường luôn mơ ước sự phi thường, còn kẻ sở hữu sự phi thường lại ước những điều bình dị nhất…






Nghe thuat tinh te cua viec dech quan tam reviewẢnh: reading_ladies

Vì ta cứ liên tục bị kéo đi bởi mong muốn của chính mình, bởi những mối bận tâm rối như mạng nhện, tâm hồn ta không có chỗ bám trụ.
Ta từng đặt niềm tin vào những thần tượng, rồi một ngày mặt tối bên trong họ bị báo chí phanh phui, thần tượng sụp đổ, ta nghi ngờ cả thế giới. Ta từng đặt niềm tin vào bạn bè, một ngày ta bị chính đứa bạn thân nhất quay lưng, ta thấy thế giới này chả còn người tốt. Ta đặt niềm tin vào chính mình, rồi bản thân không được như kỳ vọng, trái tim ta sụp đổ còn nặng nề hơn hết thảy, ta bàng hoàng nhận ra mình chẳng hiểu gì về chính bản thân mình.
Ngọn nguồn đau thương chính từ những mối quan tâm đặt sai chỗ!

Sự hỗn mang của thế giới đầy hấp lực

Bạn đã bao giờ thấy một thằng nhóc khóc sưng mắt vì không có được cái mũ đúng màu xanh nó thích? Bạn đã bao giờ thấy một người phụ nữ đứng hàng nửa giờ để đay nghiến một cậu nhân viên vì đã vô tình đòi kiểm tra túi của chị ấy theo quy định khi thản nhiên lướt đi qua của hàng và còi báo động thì rú ầm lên. Bạn có để ý và rồi bức xúc tại sao chúng ta luôn bực mình khi mấy nhân vật trong phim cứ làm những điều ngu ngốc. Hoặc ta thấy sao hôm nay cô MC chương trình dự báo thời tiết mặc đồ xấu thế. Những mối bận tâm nhỏ tý ty vô thưởng vô phạt ấy cứ bủa vây cuộc đời ta từ khi mới sinh ra.
Xã hội hiện đại đẩy cơn lũ thông tin như cơn thủy triều lao vào chúng ta mỗi ngày. Việc tiếp cận Internet, Google, Facebook, YouTube, và sở hữu chiếc TV với hơn 500 kênh thật là tuyệt, nhưng khả năng chú ý của ta thì có hạn. Do đó, thứ duy nhất có thể thu hút sự chú ý của ta là những mẩu thông tin cực kỳ đặc biệt, phi thường hoặc giật gân: kế hoạch làm giàu thần tốc, những học sinh xuất sắc và thắng mọi giải thưởng, xả súng vào trường học, hôi của, kẻ bệnh hoạn giết người…
Và bởi vì trong ngành kinh doanh truyền thông thì những thứ ấy mới thu hút sự chú ý, sự chú ý mới mang tới tiền bạc. Cơn lũ thông tin cực đoan này đã tạo điều kiện cho ta tin rằng sự khác thường mới chính là sự bình thường mới, dắt mũi sự quan tâm bản năng của chúng ta, khiến ta nảy ra những mong muốn, khiến ta không hài lòng với hiện tại, với sự bình thường của chính mình và muốn làm điều gì đó bất thường.
Đó chính là là cái bi kịch tấn công vào điểm yếu là sự quan tâm quá đỗi của con người. Quan tâm và nhạy bén với thế giới xung quanh từng là bản năng sinh tồn giúp con người tồn tại, giờ đây lại nhấn chìm cuộc đời ta xuống đáy, như con thuyền giấy mong manh giữa muôn ngàn giọt nước mưa.

Thế lưỡng nan của kẻ có nhiều chọn lựa

Một hệ quả khác của xã hội hiện đại là mang đén cho chúng ta quá nhiều lựa chọn. Và cái mà chúng ta đối mặt khi có nhiều lựa chọn chính là những gì được các chuyên gia tâm lý gọi là “nghịch lý của sự lựa chọn”. Nghĩa là càng có nhiều chọn lựa, càng ít hài lòng, vì ta nhận thức được về tất cả những lựa chọn tiềm năng khác mà ta đã bỏ qua.
Lúc nào bạn cũng phấn đấu để được quyền lựa chọn, tiện nghi hơn, nhiều tiền hơn, địa vị cao hơn cho bạn nhiều lựa chọn hơn. Mark nói nền văn hóa tiêu dùng khiến chúng ta chỉ ngày càng muốn nhiều, nhiều hơn, nhiều hơn. Anh chàng cũng từng tưởng như vậy là tốt và cũng không ngừng tìm kiếm nhiều trải nghiệm hơn, đi nhiều nơi hơn, cặp kè với nhiều phụ nữ hơn. Nhưng thực tế, khi đạt được điều mình mong muốn rồi, ta lại tiếp tục mong muốn những điều khác nữa. Cứ thế, “mong muốn” như cơn lũ không bao giờ thỏa mãn, nuốt chứng chúng ta vào trong vòng xoáy của nó không thể thoát ra.
Những bậc tu hành thương chọn cho mình lối sống đơn giản chính là để bớt đi những lựa chọn. Tại sao ta thấy tuổi thơ của mình hạnh phúc hơn, vì đó là khoảng thời gian ta ít phải lựa chọn, từ việc lựa chọn tối nay ăn gì, mặc gì tới trường ngày mai, đi phương tiện gì tới trường, làm gì ở trường… Hạnh phúc đến từ việc bớt đi những lựa chọn không cần thiết.

Tìm chân lý ở phía ngược lại những gì ta thường biết

Nếu như ai hỏi “bạn muốn gì từ cuộc đời” và bạn nói kiểu như “tôi muốn hạnh phúc, một gia đình tuyệt vời và làm công việc mơ ước”. Nghe có vẻ hoàn hảo nhưng Mark bảo câu nói đó vô nghĩa. Suốt những trang sách, trong rất nhiều điều về cuộc sống, thành công, hạnh phúc, những điều bạn quen biết đều sẽ bị phủ định hết.
Mark sẽ nói với bạn những điều đại loại như hạnh phúc chỉ là rắc rối còn bạn thì cũng chả đặc biệt lắm đâu, hay những khoảng khắc giá trị của cuộc đời không phải là niềm vui thích, sự thành công về mặt vật chất, lúc nào cũng đúng hay lúc nào cũng lạc quan, mà là những năm tháng cực nhọc trong cuộc đời.






Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm reviewsach.netẢnh: b.l.pp

Cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm này có thể khiến ta đi từ hoang mang này, sang thú vị khác, rồi ta thấy điểm chung trong những điều tưởng như mâu thuẫn, và ta nhận ra mình hình như hạnh phúc ở tận nửa bên kia cuộc sống.

Giễu cợt cuộc đời bằng triết học

Đây là cuốn sách thứ 2 được xuất bản của blogger trẻ sinh năm 1984. Cái tên Mark Manson này dường như là lời bảo chứng cho những bài viết không bao giờ buồn chán, chứa đầy những góc nhìn mới về cuộc đời, như cách làm thể nào để quyến rũ phụ nữ bằng sự trung thực, hay Tại sao làm một tên khốn cũng là một kỹ năng sống đáng quý… Thật thú vị đúng không!
Bằng chứng là độc giả của Mark đông như kiến. Những bài viết của anh chàng được dịch khắp nơi. Hai cuốn sách mới ra đều nóng hổi và nhanh chóng trở thành best Seller năm của The New York Time và bán tới trên 8 triệu bản.
Chả phải lời hứa hẹn đọc xong bạn sẽ tốt lên, chả phải lời đe dọa về cuộc đời nghiệt ngã, cũng chả động viên hay khích lệ bạn, lối viết của Mark gần gũi và đơn giản như thằng bạn thân tự mở cửa nhà bạn mà bước vào rồi ngồi lảm nhảm tào lao tâm sự chuyện đời.
Cách vào đề từ những ví dụ bạn bắt gặp ở mọi nơi, lý luận bằng sự am hiểu về triết học, người đọc dễ mê tít giọng điệu hài hước của một chàng Mark chuyên xỏ đời bằng ngón tay giữa. Mark có thể nói thẳng toẹt vào mặt bạn những điều mà chẳng ai nói bao giờ: rằng bạn thực ra chỉ là kẻ tầm thường chả ra gì, lười chẩy thây, mơ mộng hão, và bạn muốn hạnh phúc ư, đừng có cố!
Thế nhưng chúng ta càng sợ lại càng thích xem phim ma, và ta càng có nhiều mặt trái muốn che dấu, ta càng muốn nhìn rõ nó. Mark nói khám phá chính mình giống như bóc từng lớp hành, nó có thể khiến bạn khóc. Nhưng biết đâu những thứ ấy lại đúng là thứ bạn cần để làm lại cuộc đời.  

Đọc để hiểu chính mình hơn

Mark gọi đó là “củ hành tự nhận thức”, bởi vì khi bạn càng bóc, bóc nhiều thì nước mắt bạn càng rơi. Cuốn sách với những phân tích, những câu hỏi giúp bạn bóc từng lớp củ hành này. Bởi nhận biết bản thân là bước đầu tiên để đi tới hạnh phúc, nhưng cũng là bước khó khăn nhất. Tất cả những nhà tâm lý trị liệu và cả những người tu hành cũng đều bắt đầu từ điểm này.
Sau những tháng năm tuổi trẻ nông nổi, Mark cũng đã tự vấn những câu này cho đến khi anh ta nhận ra mình là ai, mình đang ở đâu và chấp nhận chính bản thân mình. Nó khiến anh từ bỏ công việc toàn thời gian, bắt tay vào viết một cái blog nhảm nhí và giờ anh thành hot blogger. Mark trả lời đó chính là bởi vì anh buông bỏ được nhiều thứ và chọn được đúng mối quan tâm phù hợp với cả mặt tốt và mặt tệ bên trong anh.
Tự vấn đơn giản là “trả lời nghiêm túc” những câu hỏi về chính mình. Những câu hỏi Tại sao mà chúng ta cần đến hàng tháng, có khi hàng năm mới tìm được câu trả lời phù hợp. Chúng giúp ta nhận ra những điểm mù trong cảm xúc của bản thân, tìm được căn nguyên của chúng, và tìm được lý do vì sao một nguyên cớ khách quan nào đó lại khiến cảm xúc đó bộc phát, tại sao ta lại cho đó là thất bại hay thành công.
Càng hỏi, bạn có thể càng thấy nghi ngờ những gì về bản thân mình. Càng tìm hiểu, bạn càng thấy những thứ mình cố gắng theo đuổi, đi tìm chẳng thực sự là thứ hạnh phúc mình muốn.  Bắt đầu có thể là những hoang mang, nhưng đi qua lớp sương mù mới thấy mặt trời.

Nghệ thuật của việc đếch quan tâm hay bài học về cách tìm ra mục đích phù hợp của cuộc sống

Cuối cùng thì một ngày đẹp giời nào đấy bạn sẽ tạm biệt cõi đời này. Tất cả những người bạn quen biết, sớm hay muộn rồi cũng đều sẽ sang thế giới bên kia. Trong quãng thời gian ngắn ngủi từ nay cho tới lúc bạn qua đời, nếu cứ tiếp tục chạy loanh quanh hết mối bận tâm này đến mối bận tâm khác, thì rốt cuộc tâm trí bạn sẽ rối như một mớ bòng bong và cuối cùng là mọi thứ sẽ chẳng đi đến đâu cả. Bạn cần hiểu được mình, hiểu được mối quan tâm của bản thân thực sự là gì. Muốn thế, cái cần nhất là mạnh mẽ đối diện với những điều về chính bản thân mình mà bạn vẫn luôn che dấu. Đối diện với nó, chấp nhận nó giống như bóc từng lớp củ hành.
Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm là cuốn sách không dạy bạn cách để đạt được điều này hay điều nọ, ngược lại là cách để buông tay. Cách bạn kiểm kê lại những mối quan tâm, chọn lại những gì để khi ngã xuống không còn hối tiếc. Nó dạy bạn không cần “cố” để có cuộc sống thoải mái. Hãy cứ bình thường thôi, và rồi hạnh phúc sẽ đến!
Giang Tạ
    Theo reviewsach.net